Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Vào ngày 17 – 18 tháng 11 năm 2022, Khoa Khoa học Cơ bản cùng Viện Nông nghiệp và Môi trường, Trường Đại học Quảng Bình phối hợp với Khoa Địa Vật lý và Bảo vệ môi trường, Khoa Kỹ thuật xây dựng và Quản lý tài nguyên, Khoa Khoan – Dầu khí, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH (Akademia Górniczo-Hutnicza), Ba Lan; Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Ba Lan; Hội người Việt Nam tại Ba Lan; Quỹ hỗ trợ người Việt Nam hoà nhập tại Ba Lan đồng tổ chức Hội thảo Quốc tế “The seventh Workshop of Vietnamese Students in Poland (WVSP2022)”. Tại hội thảo lần này, các nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ đã chia sẻ các hoạt động của mình trong quá trình học tập và trình bày các kết quả nghiên cứu đạt được. Những người tham gia WVSP2022 cũng sẽ có cơ hội lắng nghe các báo cáo đặc biệt về những thành tựu mới nhất trong khoa học và công nghệ do các khách mời của hội thảo trình bày. Cụ thể:
- Bài báo cáo của GS.TSKH Przemysław JacekDereń đến từ Viện Nghiên cứu Cấu trúc và Nhiệt độ Thấp, Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, Wrocław, Ba Lan, với chủ đề: “Ảnh hưởng của ánh sáng đến sức khoẻ con người. Lịch sử ánh sáng, các giải pháp hiện đại”.
- GS.TSKH. Dao Ba Phong đến từ Khoa Cơ khí và Robotics, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ AGH với nội dung: “Tiếp cận dựa trên tích hợp cấu trúc để dõi sức khỏe”.
- GS.TSKH. Trần Chí, Đại học Quốc gia Hà Nội, với nội dung “Vật lí lượng tử và kết nối tin học”.
- GS.TSKH. Cao Long Van, Trường Đại học Zielona Gora, Ba Lan, với nội dung: “Sự truyền của xung điện từ trong mạng phi tuyến: ứng dụng trong sợi Supercontinuum”.
- GS.TSKH. Zbigniew R. Struzik, Đại học Tokyo, Nhật Bản với nội dung “Vai trò của sự ức chế trong các mạng nơ-ron mô-đun kết hợp đồng bộ”.
Về phía Trường Đại học Quảng Bình đã tham gia nhiều báo cáo hay, là kết quả nghiên cứu của cá nhân và các nhóm nghiên cứu trong thời gian qua, như:
- ThS. Cao Thị Thanh Thuỷ và nhóm nghiên cứu với chủ đề “Nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái tại khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong tỉnh Quảng Bình, Việt Nam”.
- ThS. Lê Thị Thu Hiền với chủ đề “Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch tâm linh kết hợp tôn giáo ở Việt Nam”.
- NCS. Nguyễn Hữu Duy Viễn với nội dung “Sử dụng chỉ số khí hậu du lịch (TCI) và chỉ số khí hậu kỳ nghỉ (HCI) để đánh giá sự thuận lợi của khí hậu cho phát triển du lịch Quảng Bình, Việt Nam”.
- TS.Lê Thị Diệu Hiền với nội dung “Hiệu ứng đốt cháy của vật liệu phân hạch như lớp phủ điện cực trong buồng phân hạch”.
- TS. Võ Văn Thiệp và nhóm nghiên cứu với chủ đề “Mối tương quan giữa chiều dài và sự tích luỹ thuỷ ngân trong cơ cá Dìa nâu tại tỉnh Quảng Bình”.
- ThS. Trần Thị Yên với nội dung “Nghiên cứu đặc điểm sinh sản của cá Đối mục tại tỉnh Quảng Bình”.
- ThS. Phan Nữ Ý Anh với nội dung “Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển du lịch sinh thái kết nối sinh kế bền vững tại đầm phá Hạc Hải, Tỉnh Quảng Bình”.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: