Sáng ngày 5/12/2024, tại Trạm Khe Nước Trong, Khu Dự trữ Thiên nhiên Động Châu –Khe Nước Trong, Trường Đại học Quảng Bình tổ chức thả tái tạo cá giống cá niên về môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động trong nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Nghiên cứu đặc điểm sinh học và thử nghiệm sản xuất giống cá mát (Onychostoma gerlachi Peters, 1881) tại tỉnh Quảng Bình” do Trường Đại học Quảng Bình chủ trì thực hiện. Thời gian dự kiến triển khai đề tài từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 7 năm 2025.
Cá niên là một trong những loài cá bản địa có giá trị kinh tế ở tỉnh Quảng Bình. Thịt cá ngọt, thơm được người dân ưa chuộng và đánh bắt khá nhiều. Theo Yinggui (2013), cá có hình thái khá giống cá chép nhưng thon hơn, khi cá trưởng thành có chiều dài từ 15 – 25 cm. Thân cá dẹt, có màu ánh bạc, phần vây pha chút màu vàng nhạt, óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Phần miệng cá có vi đỏ kèm theo khá nhiều hạt trắng tròn. Cá niên tập trung ở vùng nước sâu dọc theo sông, suối, thác… có chất lượng nước tốt, sạch, độ trong cao. Loài cá này ăn rong, rêu bám trên các gờ đá. Đôi khi cũng gặp trong ống tiêu hóa một số động vật không xương sống cỡ nhỏ, ấu trùng, côn trùng… Sản lượng cá niên trên các sông lớn ngày một giảm do khai thác quá mức, cần nghiên cứu để có biện pháp phù hợp.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu triển khai 3 tuyến điều tra, thu thập 180 mẫu cá, tiến hành phân tích nguồn gen và xác định chính xác tên khoa học của cá niên (cá mát). Trong đó có nhiệm vụ thu gom và nuôi vỗ thành công 600 cá thể bố mẹ và thực hiện sinh sản nhân tạo. Qua 3 đợt, kết quả thu được 60.000 cá bột đạt chất lượng. Sau 3 tháng, thu được 13.000 con cá giống kích thước 3cm.
Xác định nhiệm vụ bảo tồn và tái tạo cá niên trong môi trường tự nhiên Trường Đại học Quảng Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan như trên đã thực hiện hoạt động nghiên cứu, bảo tồn, tái tạo. Theo đó, nhiệm vụ nghiên cứu do Trường Đại học Quảng Bình chủ trì, nhằm xác định đặc điểm sinh học, sinh thái của loài cá này. Đồng thời xây dựng quy trình sản xuất giống để bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản địa phương.
Một số hình ảnh: