Chương trình “Hành trình về nguồn” hưởng ứng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025)

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), vào ngày 27 tháng 4 năm 2025, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và Hội Chữ thập đỏ Trường Đại học Quảng Bình đã tổ chức chương trình mang tên “Hành trình về nguồn” tại tỉnh Quảng Trị.

Tham gia hành trình, về phía khách mời có ThS. Trần Đức Sỹ – Nguyên Bí thư Đoàn Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học và ĐTTX. Về phía Đoàn trường Đại học Quảng Bình có đồng chí Hoàng Anh Vũ – Bí thư đoàn Trường Đại học Quảng Bình và đặc biệt là sự có mặt của 25 đoàn viên, sinh viên xuất sắc trong học tập và rèn luyện năm học 2024 – 2025.

Tỉnh Quảng Trị, mảnh đất mà nhiều năm về trước từng là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm năm 1972 để bảo vệ Thành Cổ và Thị xã Quảng Trị. Sự kiện lịch sử đó đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Pari tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để làm nên trang lịch sử ấy hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hi sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các anh đã hoà vào lòng đất cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Với những giá trị lịch sử đã được đúc kết bằng sự hy sinh to lớn của hàng ngàn chiến sỹ, cụm di tích Thành Cổ Quảng Trị được bộ văn hoá xếp hạng là di tích Quốc gia. Đến đầu năm 1994 được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng.

Điểm đến đầu tiên trong “Hành trình về nguồn” là Thành cổ Quảng Trị, nơi đây không chỉ là một di tích lịch sử còn là một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ. Khác với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác, bởi nơi đây chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung mà thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè lịch sử thì vẫn còn đó. Đối với mỗi đoàn viên thành niên Trường Đại học Quảng Bình thì Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn trở thành tượng đài lịch sử không thể nào quên. Nơi đây luôn là điểm đến là lựa chọn cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch vì sự hy sinh của các anh hung liệt sỹ nơi đây là bất tử.

Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ”, đúng vậy, Thành Cổ Quảng Trị đã hồi sinh từ biết bao khó khăn gian khổ của các chiến sĩ và đồng bào cả nước đã chiến đấu anh dũng để giành lại độc lập hòa bình cho Tổ quốc. Sau khi đến nơi đây, mỗi đoàn viên thanh niên càng biết trân trọng hơn về hòa bình và quyết tầm nỗ lực trong học tập để xứng đáng hơn với những công lao to lớn đó của các anh để mai này dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

Điểm đến cuối trong “Hành trình về nguồn” là Địa đạo Vịnh Mốc ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Giữa những năm bom đạn ác liệt, không ai có thể ngờ rằng lại có một địa đạo Vịnh Mốc  – một thế giới sống và chiến đấu ở trong lòng đất, biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến. Đến thăm địa đạo Vịnh Mốc, mỗi đoàn viên thanh niên của Trường Đại học Quảng Bình sẽ cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Quảng Trị trong những năm chiến tranh.

Vào những năm 1965, trước sự tàn phá của không quân và pháo binh Mỹ, vùng quê Vịnh Mốc bị hủy diệt hoàn toàn. Với ý chí “một tấc không đi, một ly không rời.  Mỗi làng, xã là một pháo đài”, quân và dân Vĩnh Linh đã âm thầm chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc là một trong 114 địa đạo lớn nhỏ được đào trên toàn huyện Vĩnh Linh. 114 địa đạo này có tổng chiều dài gần 42km. Trong rất nhiều căn cứ cách mạng trên “đất lửa” Quảng Trị thì hệ thống làng hầm địa đạo Vịnh Mốc là công trình tiêu biểu nhất cho ý chí quật cường, không chịu lùi bước trước kẻ thù xâm lược của cha ông.

Dù đã nghe nhiều về kỳ tích của địa đạo này, nhưng chỉ khi đến tận nơi tham quan, khám phá địa đạo, mỗi đoàn viên thanh niên trong Đoàn mới hiểu được cuộc sống gian lao và lòng sắt đá trung kiên của quân và dân Vịnh Mốc trong những năm tháng kháng chiến chống quân xâm lược, dành độc lập tự do cho non sông đất nước. Trong “Hành trình về nguồn” tại tỉnh Quảng Trị, về với Vịnh Mốc hôm nay, mỗi đoàn viên thanh niên trong Đoàn như có thể cảm nhận được hơi thở nóng của cuộc chiến năm xưa, qua đó thêm yêu mến quê hương Tổ quốc mình.

Tạm biệt Quảng Trị, tạm biệt một phần máu thịt của non sông, tạm biệt những người con ưu tú của Tổ quốc, Đoàn trở về Trường Đại học Quảng Bình, tiếp tục công tác, học tập – nghiên cứu. Hành trình “về nguồn” Quảng Trị đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giúp cho mỗi cán bộ, đoàn viên trong Đoàn thấu hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và tự nhủ lòng sẽ cố gắng phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để tiếp nối ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến hết sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với bao xương máu cha anh đã đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng quê hương.

Một số hình ảnh trong “Hành trình về nguồn”: