Ngày 18/04/2025, tại Trường Đại học Tân Trào đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phương hướng phát triển nông – lâm nghiệp khu vực trung du miền núi lần thứ nhất năm 2025”. Hội thảo được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Tân Trào và Trường Đại học Quảng Bình.
Toàn cảnh Hội thảo “Phương hướng phát triển nông – lâm nghiệp khu vực trung du miền núi lần thứ nhất năm 2025”
Hội thảo “Phương hướng phát triển nông – lâm nghiệp khu vực trung du miền núi lần thứ nhất năm 2025” được tổ chức trong bối cảnh ngành nông – lâm nghiệp đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải đổi mới mô hình phát triển theo hướng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác hiệu quả các tiềm năng đặc thù của từng vùng, miền. Khu vực trung du miền núi nước ta với những điều kiện địa lý, sinh thái, văn hóa đa dạng là không gian phát triển giàu tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức. Những vấn đề đặt ra trong phát triển nông – lâm nghiệp tại khu vực này không thể giải quyết hiệu quả nếu thiếu vắng những luận cứ khoa học và sự tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu và các bên liên quan.
PGS.TS. Nguyễn Đức Vượng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Vượng – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình cho biết Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các học giả, các nhà nghiên cứu, các giảng viên và cán bộ chuyên môn đến từ các Trường Đại học khác nhau trong cả nước. Thông qua Hội thảo, nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nhà nghiên cứu xoay quanh các chủ đề then chốt như: phát triển sinh kế cho người dân miền núi, quản lý tài nguyên rừng, ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp, bảo tồn giống cây trồng bản địa, tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp thích ứng với điều kiện địa phương, phát triển kinh tế nông thôn bền vững,…
Tại Hội thảo, khách mời, các chuyên gia cùng với các học giả được lắng nghe 05 báo cáo tham luận trong số 38 bài viết tham gia đến từ các học giả của Trường Đại học Hùng Vương, Trường Đại học Tân Trào, Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang và Trường Đại học Quảng Bình. 02 báo cáo tham luận của TS. Nguyễn Phương Văn (Lựa chọn phát triển một số loài cây dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở vùng trung du miền núi, tỉnh Quảng Bình) và TS. Lê Khánh Vũ (Nghiên cứu ảnh hưởng của các nhóm cộng đồng địa phương đến việc sử dụng tài nguyên rừng tại khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe nước trong, tỉnh Quảng Bình) của Trường Đại học Quảng Bình được đánh giá có tính ứng dụng thực tiễn cao. Nhìn chung, các báo cáo tham luận có nội dung phong phú, đa dạng từ nhiều góc tiếp cận khác nhau về “Phương hướng phát triển nông – lâm nghiệp khu vực trung du miền núi” hiện nay đã nhận được nhiều góp ý, trao đổi.
TS. Nguyễn Phương Văn báo cáo tham luận với nội dung “Lựa chọn phát triển một số loài cây dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm ở vùng trung du miền núi, tỉnh Quảng Bình”
Hội thảo “Phương hướng phát triển nông – lâm nghiệp khu vực trung du miền núi lần thứ 1 năm 2025” không chỉ mang tính học thuật, tổng kết thực tiễn mà còn gợi mở các giải pháp khoa học, định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng gắn với phục vụ cộng đồng và phát triển bền vững các vùng trung du, miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bên cạnh đó, Hội thảo chính là tiền đề để Trường Đại học Quảng Bình và Trường Đại học Tân Trào thống nhất phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ 2 vào năm 2026, dự kiến diễn ra tại Trường Đại học Quảng Bình, với chủ đề về du lịch – một lĩnh vực có tiềm năng to lớn và đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Đoàn công tác Trường Đại học Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với đại diện Trường Đại học Tân Trào
Đoàn công tác Trường Đại học Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với đại diện Trường Đại học Tân Trào
Đoàn công tác Trường Đại học Quảng Bình tham dự Hội thảo
TS. Lê Khánh Vũ trình bày báo cáo tại Hội thảo