Chương trình giao lưu giữa ba trường đại học về nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho sinh viên

Ngày 27/5/2024, thực hiện hợp đồng tư vấn ngày 29/6/2022 giữa tổ chức CRS và Trường Đại học Quảng Bình, Nhà trường đã tổ chức chương trình giao lưu giữa ba trường đại học về nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho sinh viên tại Giảng đường B3.

Các đại biểu tham gia chương trình giao lưu

Tham dự chương trình, về phía Tổ chức CRS có cô Nguyễn Thị Minh Châu – Quản lý chương trình hành động bom mìn và các cán bộ CRS. Về phía Trường Đại học Sư phạm Huế, có PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân – Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Hoài Anh – Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học cùng các cán bộ, giảng viên và các bạn sinh viên. Về phía Trường Đại học Quảng Nam, có PGS.TS. Huỳnh Trọng Dương – Hiệu trưởng; TS. Phạm Nguyễn Hồng Ngự – Phó hiệu trưởng, ThS. Nguyễn Văn Nguyên Hải – Phó hiệu trưởng. Về phía Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Quảng Bình, có ông Lê Khắc Hoàn – Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính và các bộ, chuyên viên Sở. Về phía Trường Đại học Quảng Bình, có PGS.TS. Nguyễn Đức Vượng – Hiệu trưởng, TS. Dương Thị Ánh Tuyết – Phó Hiệu trưởng cùng các trưởng, phó đơn vị, các cán bộ, giảng viên và hơn 200 sinh viên tham gia.

Chương trình Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho sinh viên ngành GD Tiểu học tại các trường ĐH Quảng Bình, ĐH Quảng Nam và ĐH Sư phạm Huế được triển khai với sự hợp tác giữa ba trường ĐH và Tổ chức CRS, với nguồn kinh phí tài trợ từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trong khuôn khổ dự án “Hướng tới Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững” được triển khai tại 5 tỉnh miền Trung, gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Mục tiêu của Chương trình giảng dạy GD phòng tránh tai nạn bom mìn tại các trường ĐH này nhằm giúp sinh viên ngành GD Tiểu học được trang bị các kiến thức và kỹ năng về giảng dạy tích hợp nội dung GD phòng tránh tai nạn bom mìn, giúp các sinh viên có hành trang để truyền tải kiến thức này tới các em học sinh tại các trường Tiểu học trong tương lai. Hoạt động dự án đa dạng, bao gồm tập huấn cho sinh viên nội dung tích hợp GD phòng tránh tai nạn bom mìn, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho sinh viên giao lưu kiến thức về chủ đề này, tổ chức cho sinh viên đi dự giờ thực tế các tiết dạy tại các trường Tiểu học.

Nội dung của chương trình giao lưu giữa 3 trường đại học diễn ra tại Trường Đại học Quảng Bình về nội dung giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho sinh viên gồm có:

– Dự giờ thực hành về phương pháp tổ chức giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn qua các tiết dạy môn Đạo đức và môn Tự nhiên và xã hội của sinh viên.

– Giao lưu tổ chức các hoạt động trải nghiệm như tiểu phẩm, thời trang (Trường ĐH Quảng Bình), phim ngắn (Trường ĐH Quảng Nam) và vẽ tranh (Trường ĐH Sư phạm Huế).

– Giao lưu hiểu biết về Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn giữa sinh viên ba trường đại học (Các đội chơi tham gia thi trắc nghiệm kiến thức về GD phòng tránh tai nạn bom mìn).

– Trao đổi, chia sẻ  kinh nghiệm về triển khai các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn. Đồng thời, trình bày kết quả nghiên cứu thực trạng giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn và giải pháp duy trì bền vững ở cấp Tiểu học tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Buổi giao lưu giữa ba trường đại học về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho sinh viên đã thành công tốt đẹp, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng không chỉ môi trường học đường mà còn nhân rộng cả trong cộng đồng; đồng thời góp phần xây dựng, hình thành ý thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ cho sinh viên.

Một số hình ảnh của chương trình:

Tiết mục văn nghệ “Bài ca Đại học Quảng Bình” của các bạn SV Trường ĐHQB

Tiết mục múa “Chuyện tình Phong Nha” của SV ĐH Quảng Bình

Tiết giảng mẫu của sinh viên Trường ĐH Quảng Bình

Hoạt động trải nghiệm: Tiểu phẩm của sinh viên Trường Đại học Quảng Bình

Hoạt động trải nghiệm: Vẽ tranh của sinh viên Trường ĐH Sư phạm Huế

Tiết mục thời trang về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn của SV ĐH Quảng Bình

Phần thi hiểu biết của các đội chơi

Cô Nguyễn Thị Minh Châu – Tổ chức CRS trao đổi và thảo luận